• Để Được Phục Vụ Nhanh Nhất - Tốt Nhất Xin Mời Gọi: 086.268.0908

Vua voi Ama Kông - huyền thoại của đại ngàn Tây Nguyên

Vào lúc 2h13 ngày 3.11.2012, Ama Kông - huyền thoại sống của vùng đất bản Đôn (Đắc Lắc) - đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 103 tuổi. Cuộc đời ông là một câu chuyện tưởng như hoang đường mà có thật, được kết tinh từ đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ.

Ông Khăm Phết Lào - con trai Ama Kông - ngậm ngùi: “Từ nhiều tháng trước, khi thấy sức khoẻ cha yếu dần, tôi đã hạn chế cho khách tiếp xúc, trừ trường hợp hết sức cần thiết. Chiều 23.10, cha tôi đau bụng dữ dội, sáng hôm sau được gia đình đưa lên BVĐK Thiện Hạnh rồi chuyển sang BVĐK tỉnh Đắc Lắc. 

Các bác sĩ chẩn đoán cha tôi bị thủng dạ dày gây viêm phúc mạc, nhiễm trùng ổ bụng, không sống được quá 24 giờ. Lúc đó tôi đang ở Hà Nội, vẫn gọi điện về yêu cầu bệnh viện phẫu thuật, với hy vọng kéo dài sự sống để được nhìn mặt cha lần cuối. Chiều 2.11, cha tôi được gia đình đưa về căn nhà mà cụ đã suốt đời gắn bó và cụ đã ra đi...

Huyền thoại sống

Ama Kông là một người đàn ông có ngoại hình hấp dẫn, sức khoẻ phi thường, tài hoa và đa tình. Từ năm 13 tuổi, Y Prung Ê ban - tên khai sinh của Ama Kông - đã làm thợ phụ trong các đoàn săn voi, đến năm 17 trở thành thợ chính, trong chuyến săn đầu tiên đã bắt được 5 con voi rừng. Theo hũ thống kê số lượng voi bắt được thì cho đến chuyến săn cuối cùng năm 1982 - năm Chính phủ ra lệnh cấm săn bắt voi rừng - thì Ama Kông đã săn được 298 con.

Đó là một cái hũ bên trong có 10 thanh gỗ, mỗi thanh dài 10cm, được vót tròn như chiếc đũa. Mỗi khi làm lễ cúng nhập buôn cho một con voi rừng, người thợ săn lại lấy một thanh gỗ ra rồi khắc một khấc để làm dấu. Cho đến khi bỏ nghề, thợ săn mới kiểm đếm xem trong cuộc đời đã săn bắt được bao nhiêu voi rừng, tương ứng với số lượng khấc trên các thanh gỗ. Với số voi săn được, Ama Kông là người kế thừa xứng đáng ngôi vương của Khul Su Nốp - ông tổ của nghề săn voi rừng bản Đôn, được Nhà vua Thái Lan phong tặng danh hiệu “vua săn voi”.

 Ông từng có nhiều đóng góp cho cách mạng (dùng voi vận chuyển vũ khí, lương thực cho bộ đội, đưa bộ đội qua sông, ủng hộ lương thực, thực phẩm cho kháng chiến), nên đã được Nhà nước ta tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất...

Vẫn như lúc Ama Kông còn sống, trong ngôi nhà sàn còn trưng bày những kỷ vật gắn liền với cuộc đời săn bắt, thuần dưỡng voi rừng của ông. Khách viếng dừng lại thật lâu ở từng kỷ vật, như thể sau đó họ không còn được nhìn thấy, hoặc không có dịp quay lại ngôi nhà sàn. Đó là sợi dây thòng lọng dài 120m, bện bằng bộ da của 7 con trâu đực, được phơi trong 70 ngày nắng, 70 đêm sương, cất trên gác bếp đủ một mùa rẫy trước khi đem ra sử dụng để bắt voi rừng. Theo những người trong dòng họ Êban, nếu buộc ở ngoài trời, sợi dây này có sức bền một trăm năm không mục nát. Đây là sợi dây đã được Ama Kông sử dụng trong các chuyến săn voi. Và đây, tấm nệm lót để đặt bành trên lưng voi được làm bằng da con min (trâu rừng), chỉ được sử dụng khi đi săn voi. 

Thông thường, tấm nệm lót bành được làm bằng vỏ cây lộc vừng đập xốp, phơi khô, chỉ những người săn được từ 72 con voi rừng trở lên như Ama Kông mới được ngồi trên tấm nệm lót bành bằng da con min. Còn chiếc giáo gru, theo ông Y Kông - con trai cả của Ama Kông, năm nay đã 74 tuổi - là vật được Ama Kông dùng để trợ giúp đàn voi nhà tấn công voi rừng. Cuối cùng, chiếc tù và bằng sừng trâu được “vua săn voi” báo hiệu cho buôn làng biết mỗi khi đi săn thắng lợi trở về, khi tiếng tù và im lặng thì có nghĩa chuyến săn đó không bắt được con voi rừng nào. 

Cũng nhờ săn bắt được nhiều voi, Ama Kông nổi tiếng là người giàu có, ăn chơi ví như công tử Bạc Liêu của Tây Nguyên. Tương truyền, ông từng được người Pháp đưa đi học chữ Tây, nhưng ông đã trốn về bản Đôn để được săn voi và được... ăn chơi. Nhiều lần ông đi máy bay từ Buôn Ma Thuột vào Sài Gòn đánh bạc, số tiền thua bạc có khi bằng 4 con voi lớn, bằng 10 ngôi nhà gỗ quý... 

Ông từng săn được voi trắng và hiến tặng cho các vua Lào, Thái và cả Ngô Đình Diệm. Ông từng bán nhiều con voi để về Nha Trang, Sài Gòn vui chơi. Với tài săn voi, sự giàu có, sành điệu các nhạc cụ dân tộc và chất đa tình, Ama Kông cũng là niềm mơ ước của vô số người đẹp. Ông đã cưới chính thức 4 người vợ, sinh hạ được 21 người con, có 118 cháu, chắt. Số con, cháu này đang sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên và một số vùng của Lào và Campuchia, không có điều kiện về đủ trong đám tang ông. 

Bên cạnh những ngày vui...

Ama Kông không chỉ nổi tiếng trong việc săn bắt voi mà còn nổi tiếng bởi bài thuốc gia truyền có tác dụng tráng dương bổ thận, tăng cường sinh lực, chữa đau nhức xương khớp, đặc biệt là tác dụng nâng cao “bản lĩnh đàn ông” - thuốc Ama Kông - trong đó riêng thang T’klơng M’lêng “ngâm rượu uống đều sẽ tha hồ yêu không biết mệt” đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp bản quyền bảo hộ thương hiệu, mà bản thân ông qua những cuộc tình nồng cháy liên tục tiếp nối cho đến năm 99 tuổi mới kết thúc bằng cuộc ..ly hôn với bà vợ Tư kém ông 58 tuổi chính là “nhân chứng sống” đầy thuyết phục. Sinh thời ông cho biết: Nhờ sử dụng  bài thuốc này mà ông luôn luôn khoẻ mạnh, đáp ứng được yêu cầu của 4 bà vợ. Ngôi nhà của ông Ama Kông nằm ở buôn Trí A, xã Krông Na là địa điểm mà bất cứ du khách nào cũng muốn tham quan khi đến buôn Đôn. Đó là ngôi nhà sàn gỗ, có tuổi thọ khoảng 130 năm, do “vua săn voi” Khul Su Nốp làm với giá tiền 12 “con voi đực có cặp ngà lớn”. 
 

Đây cũng là ngôi nhà chứng kiến những thăng trầm trong cuộc đời của Ama Kông. Sau khi người vợ đầu là N’Nố mất năm 1941 do chứng hậu sản, ông lấy em gái vợ là H’Hốt theo tục nối dây, đến năm 1973 ông lại tiếp tục... khổ vì tình. Khi bà H’Hốt mới sinh con út được vài ngày thì Ama Kông dẫn cô người yêu H’Biai kém ông 20 tuổi cùng đứa con gái riêng 5 tuổi về ra mắt, xin cưới làm vợ ba. H’Hốt nổi cơn ghen kinh hoàng, Ama Kông phải tay trắng sang ở với mẹ con H’Biai. Bà vợ này cũng nổi tiếng ăn chơi, rượu chè, 10 năm sau bị chết vì trúng gió trong một cơn say rượu. 

Vua voi lúc còn sống thường ngắm voi giả cho đỡ nhớ rừng. Ảnh: HTN
Vua voi lúc còn sống thường ngắm voi giả cho đỡ nhớ rừng


Năm 80 tuổi, “vua voi Ama Kông” yêu và cưới H’Khăm, một bông hoa rừng mới 25 tuổi và đã có con riêng. Đám cưới diễn ra đơn sơ, gọn nhẹ vì “nhà vua” không còn giàu có. Nhưng bà vợ thứ tư này cũng ham chơi, mê nhậu và hay... đánh “vua”. Và mặc dù Ama Kông rất yêu thương, chiều chuộng nhưng bà này cũng nhất quyết ly dị. Ama Kông lại gần như trắng tay, trở về ngôi nhà sàn cổ của mình với người vợ hai - bà H’Hốt. Tại đây, ông đã sống những năm tháng cuối cùng, sống với nỗi nhớ những cuộc săn rung chuyển đại ngàn. Bài thuốc Ama Kông mặc dù đã được con trai Khăm Phết Lào chính thức thừa kế, song một thời gian dài cũng bị tranh chấp và kiện tụng, hiện vẫn bị “làm nhái” ở nhiều nơi buôn Đôn cũng như Đắc Lắc. 

Bất chấp những được mất, thành bại, cuộc đời 103 năm tuổi của “vua săn voi” Ama Kông vẫn là một huyền thoại đẹp lung linh, một sử thi sống của Tây Nguyên hùng vĩ. Sự ra đi của ông không chỉ là tổn thất của dòng họ, du khách, mà còn là mất mát lớn của nền văn hoá Tây Nguyên. 

Việt Anh sưu tầm

086.268.0908
VinMart.net - Hệ thống Cửa Hàng Mua Bán Rượu Ngoại Uy Tín Nhất